Đặc sản hấp dẫn miền quê công tử Bạc Liêu

Ngày đăng: 05:20 PM 13/03/2019 - Lượt xem: 798

Bún nước lèo

Ở Bạc Liêu, bún nước lèo được bán khắp nơi từ những gánh hàng rong cho đến những quán ăn gia truyền nổi tiếng. Có thể thưởng thức món ăn này vào nhiều thời điểm trong ngày: ăn sáng, xế, tối hay ăn khuya, nhưng không gì bằng vào buổi chiều trời mát, sau khi xong việc bè bạn rủ nhau đi ăn tô bún nước lèo.

 

 

Nguyên liệu đi kèm là cá, tôm - phải là cá lóc đồng tươi sống làm sạch luộc nguyên con, bỏ xương lấy nạc, tôm đất tươi còn nhảy cũng luộc rồi lột vỏ. Hỗn hợp nước luộc cá, luộc tôm được cho vào nồi mắm, thêm nước dừa xiêm và sả nguyên cây đập dập nấu tiếp. Tuy nhiên, nước lèo có hương vị đậm đà hơn khi có thêm củ ngải bún đâm nhuyễn vắt lấy nước, trước khi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nước lèo ngon nhờ chất ngọt của tôm cá, nước dừa, nhưng không được quá mặn dù phải dậy mùi mắm.

 

Bánh tằm bì

Bánh tằm bì có ở nhiều nơi nhưng chỉ riêng tại Bạc Liêu thì bánh tằm bì phải nói là ngon thuộc hàng đặc sản. Bánh tằm bì công phu từ khâu chọn gạo đến giai đoạn làm bì cũng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay. Bánh tằm bì của Bạc Liêu còn đặc biệt hơn ở chỗ điểm xuyết thêm một vài viên xíu mại giúp cho đĩa bánh tăng thêm chất lượng.

 

 

Ăn cùng bánh tằm bì không thể thiếu nước cốt dừa, nước mắm và rau cải đi kèm. Riêng nước mắm chan phải là thứ nước đầy đủ bốn vị: chua, cay, mặn, ngọt mới tăng độ đậm đà. Khi ăn nhất thiết phải có xà lách, húng, giá và dưa leo xắt nhỏ. Chính mùi thơm thanh của rau cải hòa quyện với cái bùi bùi của bì và vị béo của nước cốt dừa càng kích thích thêm sự thèm ăn cho thực khách.

Nhãn da bò Bạc Liêu

Nếu như miền Bắc nổi tiếng với cam xã Đoài, vải thiều Thanh Hà ở Hải Dương; miền Đông Nam Bộ có nho Phan Thiết, thì miền Tây Nam Bộ lại nổi danh với nhãn da bò Bạc Liêu, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi.

Từ những buổi đầu di cư lập nghiệp, nhãn da bò (có nguồn gốc từ Trung Quốc) đã được người Hoa đem qua Việt Nam nhân giống và có mặt ở Bạc Liêu cho đến nay. Cây nhãn da bò càng nhiều năm tuổi thì cho trái càng nhiều, dày cơm và hương vị thơm ngọt hơn.

 

Năn bộp Bạc Liêu

 

 

Trong ẩm thực mùa mưa ở miền Tây Nam Bộ, món năn bộp không thể không được nhắc đến như một đặc sản nổi tiếng. Đây là một loại thực phẩm lấy từ cỏ năn ngọt mọc hoang trên những cánh đồng ngập mặn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… được thu hái và ăn sống như một loại rau hay chế biến nhiều món ăn.

Cây cỏ năn bộp có ba phần gồm đọt năn, chồi non và củ năn đều được sử dụng để làm món ăn. Phổ biến nhất là đọt năn mọc ở gần gốc, có màu vàng nâu xỉn vì nhiễm phèn nhưng khi bóc lấy phần non thì có màu trắng ngà, nhẹ như xốp. Bên cạnh đột năn, những đoạn chồi non, hay còn gọi là mần năn, thường rất được sếu đầu đỏ ăn. Cuối cùng là củ năn, khi cây năn chết thì đến mùa mưa năm sau mới mọc lên thành cây mới.

Người dân miệt vườn miền Tây khéo léo có thể chế biến thành những món ăn dân dã đến lạ thường từ ba bộ phận kể trên. Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa… món nào cũng ngon và hấp dẫn.

Đặc sắc và đúng điệu của món ngon là rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì tuyệt không gì bằng. Ngoài ra, mầm năn được dùng để xào thịt trâu, nghêu, hến, tép bạc, thịt chuột đồng… Để thưởng thức món mầm năn, người ta xào để to lửa, đảo nhanh cho mầm năn vừa chín tái thì khi ăn sẽ có độ giòn ngọt. Còn củ năn bộp, đào lên đem rửa sạch để ăn hoặc ủ đến khi mọc mầm để lấy muối dưa chua – một món ăn được người dân miền Tây Nam Bộ vô cùng ưa thích. Dưa năn bộp có thể muối xổi, trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn để khoảng 30 phút là dùng được.

Nhờ có mùa mưa đã tạo nên sự phong phú của nhiều sản vật ngon từ động vật cũng như thực vật ở miền Tây Nam Bộ này. Dù là ai đi chăng nữa, khi đến đây đều mong muốn được thưởng thức những món ngon dân dã từ cây năn bộp đặc biệt này.

 

Ba khía Bạc Liêu

 

 

Là một loại cua theo cách gọi của người Việt, ba khía có hình thù giống cua đồng, nhưng nhỏ hơn và sống chủ yếu ở vùng nước mặn. Ba khía là món ăn khá phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào Khmer, sau đó được người Kinh học theo cách làm và lâu dần thì trở thành một đặc sản nổi tiếng như hiện nay.

Nếu bạn nhìn thấy ba khía thì thật khó có thể phân biệt chúng là cua hay ba khía bởi hình dáng đặc biệt của chúng giống cua đồng. Tuy nhiên, ba khía thường nhỏ hơn và sống chủ yếu ở các vùng nước mặn. Trước đây, nó là món ăn của người bình dân, sau này trở thành món ăn đặc sản tiêu biểu của Bạc Liêu.

Ba khía có nhiều cách chế biến nhưng quen thuộc nhất là ba khía muối. Khi ăn, người ta xé nhỏ ba khía đem trộn đều với đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó hoặc có thể không trộn bất cứ gia vị nào. Bạn có thể ăn cơm cùng ba khía muối mà không sợ vị đậm đà khác lạ thay đổi.

Ở xứ Bạc Liêu, đàn ông có thể lai rai với ba khía luộc là có thể ngồi trò chuyện đến khuya. Ngoài ra, người ta còn có thể làm gỏi ba khía để người ăn có thể thưởng thức thêm.

 

Bún bò cay Bạc Liêu

Xứ biển Bạc Liêu lâu nay được biết đến với những món đặc sản của đại dương nổi tiếng như lẩu cá khoai, cháo cá khoai, sò huyết, cua gạch son luộc chấm muối tiêu chanh, ốc lác luộc chấm cơm mẻ sả ớt… Chừng ấy thứ đặc sản cũng đủ để tô vẽ đậm nét cho sự đa dạng của nền ẩm thực Bạc Liêu vốn đã dân dã, mộc mạc, thưởng thức một lần thì đều khó quên, trong đó có món bún bò cay.

Bún bò Bạc Liêu chỉ gồm thịt bò và sa tế chứ không cho mắm ruốc đặc trưng như bún bò Huế. Đặc trưng nổi bật của bát bún bò nơi đây nằm trong một chữ: cay. Một bát bún bò cay đạt chuẩn ngoài hương và vị thì phải có những lát thịt bò cắt dày và to gần bằng ba ngón tay cùng một chén muối hột giã với ớt đỏ, kèm vài lát chanh.

Tuy nguyên liệu chỉ có thịt bò và sa tế, nhưng để nấu được bún bò Bạc Liêu thì không phải ai cũng làm được, mà mỗi nơi đều làm theo một cách riêng biệt, độc đáo. Nhìn bát bún bốc khói nghi ngút đặt trước mặt, bạn sẽ nhận thấy những sợi bún trắng tinh cùng miếng thịt bỏ lẫn trong cái nền màu vàng sẫm bắt mắt đó. Thêm nữa, màu đỏ của nước bún là nguyên chất, do được nấu nhiều với ớt tươi, chứ không hề pha phẩm màu tạo đỏ.

 

 

 

Khi ăn, người ta thường nhặt vài lá rau thơm cho vào bát, vắt chanh rồi trộn đều lên. Cứ khi gặp thịt bò thì gắp ra chấm muối ớt và cứ thế vừa xuýt xoa vì cay, vừa đỏ mặt vì nóng, những hương vị đặc trưng hấp dẫn bạn.

Ăn xong bát bún bò là lúc bạn đã hoàn toàn thỏa mãn trong vị cay, vị giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua của chanh, hấp dẫn và sảng khoái cả người.

 

Bánh củ cải Bạc Liêu

 

 

Nếu bạn có dịp dạo chơi Bạc Liêu, đừng quên ghé qua các chợ để thưởng thức món bánh củ cải đặc trưng. Bánh thanh đạm và lạ vị do có sự kết hợp của bột mì, củ cải với nhân bánh đơn giản, hợp khẩu vị cho nhiều người.

Bánh củ cải Bạc Liêu được biết đến là có nguồn gốc từ người Hoa. Vỏ ngoài làm bằng bột mì trắng pha với bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh gồm tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đập dập, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả hỗn hợp nhân đem xào chín, nếm vừa miệng, đặt vào phần vỏ bánh cuốn lại như các loại bánh tráng thông thường.

Hành lá cắt hột lựu, phi nhanh qua mỡ lợn sao cho hành lá phải giữ được màu xanh cơ bản. Sau đó, vớt hành phi ra để chừng ba phút cho ráo mỡ, rắc đều lên đĩa bánh. Khi dọn bánh ra đĩa, người ta rưới mỡ hành lên trên thật hấp dẫn.

Bánh củ cải dùng kèm với nước mắm pha nhạt cùng chanh, đường, tỏi, ớt. Bánh được ăn kèm với rau thơm, rau giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Đặc trưng của món bánh này là thơm, hăng và đặc biệt có vị ngọt của tôm đất. Bánh củ cải đặc biệt thích hợp cho bạn ăn sáng hoặc ăn chiều.

 

Bồn bồn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi…

 

Facebook