Món ngon đặc sản Đống Tháp

Ngày đăng: 05:20 PM 13/03/2019 - Lượt xem: 572

1. Cá lóc nướng cuốn lá sen non

Đến Đồng Tháp và các khu du lịch trong tỉnh, hầu như chỗ nào cũng có món cá nóng nướng trui hoặc nướng rơm. Dù nướng kiểu nào, cá cũng được nướng nguyên con, giữ lại bộ đồ lòng. Cá nướng xong được bổ đôi dọc sống lưng và rưới lên hành lá trụng qua dầu sôi cùng một ít đậu phộng… Nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, cay của ớt. Tuy nhiên, người đân địa phương đã chế biến cá lóc xứ mình thành món ăn đặc biệt đặc sản của xứ sen Đồng Tháp đó là món cá lóc nướng cuốn lá sen non.
Lá sen non được xem là loại rau sạch, trồng ở môi trường nước không bị ô nhiễm. Đó là lá sen vừa nhô lên mặt nước, hai mép lá cuốn tròn vào giữa. Vẫn là dĩa cá lóc nướng trui, dĩa rau sống, chuối chác, khế chua nhưng món này có lá sen non đặt vòng quanh con cá. Lá sen non có vị nhẫn ăn cùng với miếng cá lóc nướng chấm vào nước mắm me, có vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên.

 

 

  1. Ốc treo giàn bếp

Con ốc để làm món ốc treo gác bếp là ốc lác. Ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Ốc lác treo giàn bếp để lâu 4-5 tháng vẫn sống. Ốc treo giàn bếp béo mập, để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu.

 


Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm, béo ngậy, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.

 

  1. Chuột quay lu Cao Lãnh

Đến Đồng Tháp mùa nước nổi, bạn phải ghé qua Cao Lãnh để thưởng thức món thịt chuột đồng  Chuột đồng có thể chế biến thành nhiều khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng đặc biệt nhất phải nói đến là món chuột quay lu.

 


Chuột quay lu phải là những chú chuột đồng đã ăn no lúa chín, béo múp míp vì thế chuột sau mùa gặt béo múp là ngon nhất. Chuột được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con cho vào lu, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Khi chín, mở nắp lu, nhòm những chú chuột đồng đang chín vàng, mùi thơm hấp dẫn được bày ra với muối tiêu chanh, rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo. Cầm miếng thịt chuột lên nếm, da giòn tan, thịt thơm và mềm thật là ngon không kém gì thịt nai rừng nên người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê.

 

  1. Dồi rắn

Dồi rắn là một món ngon đặc biệt, vì chỉ mùa nước nổi mới có và hương vị độc đáo, lạ miệng không giống bất kỳ món ăn nào khác. Rắn ở Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi nhiều vô kể: rắn hổ, ri voi, hổ hành đến rắn bông súng, rắn nước nhưng để làm món dồi rắn người dân thường chọn rắn bông súng và rắn nước để chế biến vì loài rắn này khá “hiền lành” ít khi cắn người và không độc thịt rắn mềm và ngọt lịm.

 


Rắn bắt về, thui hoặc trụng nước nóng cho tróc vảy, rút ruột, rửa sạch bụng để ráo nước, rồi lột da. Thịt rắn bằm nhuyễn, nêm chút gia vị, tiêu, bột ngọt. Phần nguyên liệu này sau đó được dùng để dồn vào phần da rắn cho đến khi căng tròn, rồi dùng dây buộc kín hai đầu hoặc có thể phân thành từng đoạn rồi mang nấu lên. Dồi rắn có thể đem hấp, chiên hoặc nướng, mỗi cách chế biến đều có hương vị thơm ngon khác nhau. Món này ăn kèm với các loại rau sống, tía tô, xà lách, hoặc thêm gỏi bông điên điển nữa thì rất tuyệt.

 

  1. Lẩu cá linh hoa điên điển

Mùa nước nổi của Đồng Tháp bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, xuất hiện nhiều cá linh, đặc biệt đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất của năm, bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Loại cá này được xem là đặc sản của mùa nước nổi và đây cũng là mùa mà loại hoa điên điển nở vàng khoe sắc khắp cả mé sông. Hoa cho hương vị rất đặc biệt, có độ giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang màu sắc “hương đồng cỏ nội”.

 


Loài cá này chiến biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh, làm mắm . Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản nổi tiếng, một niềm tự hào của người dân miền Tây mỗi khi nước lũ về.

Bên cạnh nồi nước lẩu bốc khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút… . Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá linh vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức. Ăn kèm với món này là bún tươi hoặc cơm trắng và dĩ nhiên không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm. Món lẩu cá linh hoa điên điển  chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.

 

  1. Bông súng mắm kho

Ở vùng quê Đồng Tháp, không ai lại không biết đến bông súng chấm mắm kho, món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà khó quên mà không phải nơi nào cũng có. Mỗi năm, hễ ăn tết xong là bà con bắt đầu tát mương, vũng, đìa để bắt cá đồng, con to đem bán, con nhỏ mang về làm mắm, chờ qua mùa nước nổi thì giở ra ăn dần…

 


Muốn kho mắm cho ngon, phải đổ nước dừa nạo vào xâm xấp, cao hơn mắm cỡ vài phân rồi bắc lên bếp cho tới khi thịt con mắm nhuyễn nhừ rồi mới nhắc xuống lọc kỹ, bỏ xương. Sau đó nêm nếm gia vị và đừng quên ớt, sả – hai thứ không thể thiếu trong món mắm kho là thịt ba rọi, kho với tép bạc, cá rô, cá trê… càng ngon. Mắm kho ngon nhất là chấm với bông súng ở đìa, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm, ngọt… Mùa nước về bông súng càng lên nhanh trắng đồng, nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, bông súng bỏ vào chén, chan nước mắm kho lên trên. Ăn mắm kho, nhớ ngắt bông súng thành từng đoạn ngắn, bóp nhẹ để mắm kho thấm vào khi chấm, cộng với mùi thơm của các loại rau sẽ cho một cảm giác không thể nào quên. Mắm kho thơm ngon hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái dòn bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời mang đầy màu sắc đồng nội.

 

  1. Tắc kè xào lăn

Vùng Đồng Tháp Mười bao la ngút ngàn có nhiều tắc kè và món ăn khá phổ biến của người dân nơi đây.
Sau khi bắt tắc kè, người ta chặt bỏ đầu, nhúng nước sôi, cạo cho sạch lớp vảy. Trước khi ướp, chặt tắc kè ra từng mếng, ướp với đại hồi, tiểu hồi, bắc chảo phi mỡ tỏi, rồi đổ thịt tắc kè vào xào cho săn lại; sau đó vắt nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt, nhưng đừng để lửa nóng quá sẽ mất ngon.Khi thấy nước cốt dừa sắc xuống, ta bắc chảo ra, rắc đậu phộng lên là xong. Thịt tắc kè thơm ngon lạ lùng, đặc biệt là phần đuôi béo ngậy, tập trung mỡ và xương sụn, bồi bổ cho ngũ tạng, lục phủ rất tốt.

 

 

  1. Nem Lai Vung

Lai Vung là làng nghề làm nem nổi tiếng của Đồng Tháp đã có trên 60 năm nay với những “bí kíp” riêng. Nem Lai Vung làm từ thịt và bì heo ,các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào:

“Lai Vung là xứ lạ lùng

 Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.

 


Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Nem chua khi ăn có vị ngọt của thịt và vị chua của nem, còn nem nướng cũng là loại nem chua nhưng dùng khi nem chưa lên men, nưóng trên vỉ than đỏ hồng, ăn kèm với bún, rau thơm, nước chấm mùi vị đậm đà thơm ngon .

 

  1. Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu Sa Đéc sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.

 


Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo… được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” – cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa. Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật ngon tuyệt.

 

  1. Bánh phồng tôm Sa Giang

Đặc sản của Sa Đéc thì ngoài hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng khắp nơi thì không thể không kể đến bánh phồng tôm Sa Giang. Thị xã Sa Đéc là nơi chuyên sản xuất bánh phồng tôm nhiều nhất cả nước và Sa Giang là một thương hiệu nổi tiếng từ rất lâu.
Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, bánh được cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Lúc ăn, nướng chín, bánh có hương vị nồng thơm, cay cay, đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Bánh phồng tôm Sa Giang ăn không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm đà.

Facebook